AnotherWorld Of Rock
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.



 
Trang ChínhTrang Chính  PortalliPortalli  Tìm kiếmTìm kiếm  Latest imagesLatest images  Đăng kýĐăng ký  Đăng Nhập  

 

 Những người dân quê tôi

Go down 
Tác giảThông điệp
unmourned
L´Ame Immortelle
L´Ame Immortelle
unmourned


Nam

Ngày tham gia : 23/04/2007
Age : 113
Tổng số bài gửi : 968

Những người dân quê tôi Empty
Bài gửiTiêu đề: Những người dân quê tôi   Những người dân quê tôi Icon_minitimeWed 10 Sep 2008 - 21:19

Tớ đã có dịp xem 2 phim tài liệu nổi tiếng của đạo diễn Trần Văn Thuỷ
là "Chuyện tử tế" và "Hà Nội trong mắt ai. Tiện thể tìm được tự truyện
"Những người dân quê tôi, post lên đây luôn.

NHỮNG NGƯỜI DÂN QUÊ TÔI


Trước khi trở nên nổi tiếng với hàng loạt phim gây ấn tượng sâu rộng trong lòng khán giả trong và ngoài nước, Đạo diễn Trần Văn Thủy
đã khởi đầu sự nghiệp điện ảnh của mình từ vùng đất Quảng Nam Đà Nẵng.
Chiến trường Khu V ác liệt, hiện thực sinh động của đất và người Khu V,
những quan hệ bạn bè sinh tử thời chiến, tình yêu đầu đời đối với nghề
nghiệp...đã cho ra đời bộ phim tài liệu đầu tay của ông: Những người
dân quê tôi.


Nóng bỏng khói lửa chiến trường miền Nam, Những người dân quê tôi với
cái nhìn sâu thẳm vào gương mặt chiến tranh đã tạo được tiếng vang lớn.
Năm 1973, tại Liên hoan phim quốc gia, bộ phim đoạt giải Bông sen bạc.
Trước đó, vào tháng 11 năm 1970, tại Liên hoan phim Leipzig, bộ phim
cũng đã đoạt giải Bồ câu bạc và được gởi tới nhiều nước trên thế giới.
Cần nói thêm rằng, khi bộ phim này ra đời, như một dấu ấn khắc nghiệt,
những người có mặt trong phim và cả những người phụ giúp Trần Văn Thủy
trong công việc đều đã hy sinh...

Gần 30 năm sau, từ Hà Nội, mang theo những ám ảnh khôn nguôi của thời
làm phim Những người dân quê tôi, Trần Văn Thủy đã khăn gói lên đường
vào Nam để tìm lại miền đất cũ. Và ở đó, giữa bao nhiêu yên tĩnh thời
bình, ký ức của ông lại cồn cào sống dậy. Chúng tôi xin giới thiệu một
tự truyện của Trần Văn Thủy sau chuyến đi này.



Cuối năm 1966 khi đang học dở dang lớp quay phim khóa “Chống Mỹ cứu
nước”, tôi được điều động vào phục vụ chiến trường B. Nơi tôi quay phim
cả năm 1967, qua Mậu Thân 1968 và nửa đầu năm 1969 là chiến trường
Quảng Nam - Đà Nẵng.

Quãng đường trèo đèo lội suối từ trường 105, nơi đào tạo cán bộ đi B
vào đến căn cứ Khu Ủy Khu V mất gần ba tháng trời. Ngày nay bằng máy
bay Air bus 320, Hà Nội-Đà Nẵng chỉ mất trọn vẹn một giờ bay. Chỉ qua
một giờ bay được tìm lại những kỷ niệm, những dấu ấn, những truyện kể,
những con người mãi mãi không bao giờ phai lạt trong ký ức thời chiến
tranh thì quả là một hạnh phúc bất ngờ.

Có lẽ phải nói thêm rằng, thời gian học quay phim ở Trường Điện ảnh,
ngoài việc được học sơ sơ lý thuyết về kỹ thuật, tôi chỉ được sờ vào
máy quay đúng hai lần: một lần thử hiệu quả của các loại ống kính têlê,
norman, góc rộng và một lần thử độ nhậy của phim. Hành trang kiến thức
để tôi bước vào nghề, vào chiến trường vẻn vẹn có vậy. Với trình độ ấy,
ở Bắc, nếu có xin làm phụ quay ở các xưởng phim chắc cũng không dễ. Vậy
mà ở chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng ngày ấy tôi đã làm được phim, mà
lại là một phim có giải thưởng quốc gia và quốc tế hẳn hoi.

Được vậy, trước tiên tôi ơn nhờ cuộc sống và chiến đấu vô cùng can
trường của đồng bào, bà con trong đó. Cái may mắn tình cờ thuở ban đầu
trong nghề là tôi đã được gặp và gắn bó máu thịt với từng thân phận con
người và thể hiện nó lên phim. Từ tâm tư, hoàn cảnh khắc nghiệt của
chiến tranh mà mỗi con người bình thường ấy đã phải gánh chịu, rồi họ
vượt lên, họ dấn thân.

Cho đến bây giờ nhìn lại, đối với miền đất Quảng Nam - Đà Nẵng, nơi mà
hơn 30 năm trước đây tôi đã nhận là quê hương của mình, hình ảnh của
những con người trong phim “Những người dân quê tôi” đã trở thành những
tư liệu lịch sử có giá.

Cụ Niên ở Xuyên Trường, một ông giáo làng đẹp lão, râu tóc bạc phơ, một
con người giầu nhiệt tâm yêu nước, yêu cây cảnh, hội họa, say mê vẽ
tranh Bác Hồ, sau này đã bị lính Nam Triều Tiên thảm sát chỉ vì cụ biết
viết chữ Hán trong các truyền đơn binh vận. Bây giờ mộ cụ ở đâu? Con
cháu cụ sinh sống như thế nào? Và có còn ai say mê vẽ như cụ không?

Giữa tháng 4 vừa qua, được bạn bè rủ rê, tôi đã làm một cuộc khảo sát,
đi thực tế và đã trở lại vài ba nơi tôi quay phim ngày xưa. Thì ra nhà
cụ giáo Niên, xã Xuyên Trường chỉ cách đồn Trà Kiệu nổi tiếng tàn ác có
con lộ trải đá, theo con lộ này bằng ô tô quãng 20 phút nữa thì đụng
khu thánh địa Mỹ Sơn. Ngày ấy chiến tranh ác liệt quá, chúng tôi toàn
di chuyển vào ban đêm, chui bờ, chui bụi chẳng định được phương hướng
rõ ràng như bây giờ.

Làng cụ giáo Niên vẫn như ngày xưa, những lùm dừa, bụi tre, những con
đường pha đất cát với tiếng nô đùa của con trẻ. Một nỗi buồn bâng quơ
xâm chiếm lòng tôi khi những người ba bốn mươi tuổi trở xuống đều coi
tôi là người xa lạ. Người con trai cụ giáo Niên, anh Toán, nguyên là
trưởng phòng Giáo dục huyện Duy Xuyên năm nay đã 63 tuổi, anh luống
cuống ôm tôi thân thiết như ngày nào. Ngôi nhà làm lại lần thứ sáu của
vợ chồng anh vẫn trên nền nhà cũ của cụ giáo, nhưng diện tích chỉ bằng
1/3. Trong đám con cháu và bạn bè gặp mặt hôm đó chỉ có anh và tôi hình
dung ra ngôi nhà năm xưa của gia đình cụ giáo. Đó là một ngôi nhà rộng
thênh thang và hết sức sang trọng. Cột và trần nhà bằng gỗ quý đánh véc
ni bóng loáng. Ngoài sân là vườn hoa, cây cảnh, hòn non bộ.

Không hiểu sao ngày ấy bom đạn như vãi trấu mà ngôi nhà của cụ vẫn
nguyên vẹn cho đến trước ngày tổng tấn công Mậu Thân 1968. Sáng sớm hôm
đó, một quả ca nông không biết từ nơi nào câu đến, làm đánh rầm, đinh
tai nhức óc và một góc ngôi nhà bị sập. Tôi thấy cụ giáo tất tưởi trong
bộ đồ bà ba trắng tinh, dang hai tay như vái lên trời rồi ôm mặt khóc
tu tu. Cụ khóc rằng: “Ối trời đất ơi, phúc đức nhà tôi vậy là không
mỏng. Được vầy tôi mới hả lòng hả dạ, ngày mai, ngày mốt, đất nước độc
lập thống nhất rồi mà nhà tôi còn nguyên vẹn, không suy suyển gì, không
đóng góp gì cho cách mạng thì thật là xấu hổ...hu hu...”. Những lời kêu
khóc của cụ giáo đối với tôi lúc đó quả là lạ lùng.

Hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền cách mạng, đêm 30 Tết Mậu Thân cụ
cùng dân làng tay dao, tay gậy, quần xắn ống túm hăm hở vượt sông tiến
về phía Hội An để giành chính quyền. Có lẽ bị ám ảnh bởi chuyện của cụ
năm xưa, nên tới Hội An tôi không mấy quan tâm tới các phố cổ, mà đứng
lặng rất lâu trên cầu Cẩm Nam nhìn về cảng Cá với những con thuyền,
những mái nhà nhấp nhô, nơi mà cụ giáo Niên và bà con đã ào ào xông
lên, số đông trong họ đã không trở về.

Anh Toán là người con hiếu thảo của cụ giáo. Từ ngày nghỉ hưu anh sinh
sống hẳn bằng việc vẽ vời. Anh khoe tôi một bức tranh rất lạ vẽ phong
cảnh thánh địa Mỹ Sơn. Ngoài sân, ngoài vườn la liệt những pa nô, áp
phích, người ta đặt anh vẽ cổ động cho ngày hội ở thánh địa Mỹ Sơn,
mừng nơi đây được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Ngày xưa
ông giáo vẽ tranh thủy mạc để chơi, bây giờ anh vẽ áp phích để sống.
Anh bảo vậy là may mắn lắm rồi.

Mộ cụ giáo được đặt gần như chính giữa trong nghĩa trang liệt sĩ trên
mỏm núi phía Nam đầu cầu Chiêm Sơn. Nơi đây lộng gió, chan hòa ánh nắng
miền Trung. Tôi nhìn lại toàn cảnh vùng Gò Nổi ôm giữa hai nhánh của
sông Thu Bồn, nhìn lên bia mộ cụ giáo và bất giác nhận ra rằng, trong
các nghĩa trang liệt sĩ phía Nam có không ít những người nằm lại không
phải là bộ đội chính quy, không ăn lương Nhà nước, không biên chế ở một
đơn vị nào, mà chỉ là những người dân bình thường. Họ thực là phi
thường và có ý nghĩa lắm lắm với sự trường tồn của dân tộc này, đất
nước này. Tôi bất giác ôm lấy bia mộ cụ giáo mà không cầm được nước
mắt. Hồi ấy, cụ đã ân cần lo cho tôi những bữa ăn mà hương vị của nó
tôi vẫn còn nhớ đến tận bây giờ.
Về Đầu Trang Go down
unmourned
L´Ame Immortelle
L´Ame Immortelle
unmourned


Nam

Ngày tham gia : 23/04/2007
Age : 113
Tổng số bài gửi : 968

Những người dân quê tôi Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Những người dân quê tôi   Những người dân quê tôi Icon_minitimeWed 10 Sep 2008 - 21:19

Chuyến tàu tốc hành xuyên Việt rầm rầm lao qua những nhịp cầu, cây cầu
duyên nợ với chúng tôi thời chiến tranh. Những cảnh phá cầu Chiêm Sơn
hơn 30 năm trước trong phim của tôi là một trường đoạn nhiều ấn tượng.
Sau một số cảnh du kích chuẩn bị thuốc nổ, trinh sát, bí mật bơi lặn và
đặt khối nổ ở trụ cầu là cảnh cây cầu bị nổ tung, bứng lên những nhịp
cầu khổng lồ và quật xuống mặt sông. Tôi nhớ như in cậu du kích có tên
là Chín, 19 tuổi đời, 19 lần phá cầu cắt đứt giao thông địch, bốn lần
nhận danh hiệu dũng sĩ đã cùng đội du kích giúp tôi thực hiện thành
công những cảnh quay mạo hiểm đó.

- Chỉ quãng dăm tháng sau khi các anh quay cảnh phá cầu thì xẩy ra một
trận địch càn dữ dội ở đây. Cậu Chín và đội du kích hy sinh gần hết.
Anh Toán cho hay, và thực là đau buồn khi tôi không có cách nào tìm ra
mộ của cậu Chín.

Trong phim thuở ấy, người ta khó quên bé Phùng hồn nhiên, dễ thương,
ngồi côi cút bên năm nấm mồ người thân. Cả nhà bé bị hại, được bộ đội
địa phương cưu mang, bé nhoẻn cười đi trong hàng quân. Bây giờ bé ra
sao? Còn hay mất?

Rồi chân dung khó quên của một bà mẹ can trường, có tên là mẹ Đãi. Mẹ
là sự bao dung đến khôn cùng với tất cả bộ đội, cán bộ công tác, chiến
đấu trong vùng. Đầu mẹ chít khăn tang, nét mặt hồn hậu, thoăn thoắt tới
lui trước đoàn quân chuẩn bị nhập ngũ. Trong lễ ra quân thuở ấy, ai đó
đã có sáng kiến cắt nhỏ chiếc khăn tang của mẹ chia đều cho các tân
binh sắp sửa lên đường. Cần tìm về mẹ, về làng quê của mẹ bây giờ ra
sao, ai còn ai mất? Trong cuộc sống ngày nay họ quan tâm tới điều gì?

Thuở ấy phim có ghi lại, trên làng cát thuộc Thăng Bình có ngôi chùa
đẹp lắm mà bị phá tan hoang, hai nhà sư chẳng còn nơi nương náu, kinh
kệ, họ đã xin ra nhập quân giải phóng. Phim cũ, một trường đoạn dài với
nhiều cận cảnh ấn tượng có thể cho ta một cảm xúc, một hào hứng tìm lại
hai nhà sư năm xưa.

Và cô Văn Thị Xoa ở Xuyên Châu, một thôn nữ có mái tóc dài với gương
mặt xinh đẹp bị đạn bắn thẳng làm nham nhở, dúm dó nửa mặt và cô trở
thành một xã đội trưởng kiên cường. Có bà con tin cho tôi hay rằng cô
vẫn còn sống tuy bị thương thêm ba lần nữa. Gia cảnh của cô bây giờ ra
sao? Cuộc sống của cô có được tốt lành hay không? Cô buồn vui, suy nghĩ
những gì?

Các đồng nghiệp ở Đài truyền hình Đà Nẵng đã tận tình giúp tôi tìm ra
nhà của Xoa. Cô vẫn còn sống. Người hiếm hoi trong hàng mấy trăm con
người có mặt trong “Những người dân quê tôi” còn sống. Vẫn dáng người
cao, mảnh. Chỗ bị thương trên mặt cô đã được chạy chữa đôi phần. Chúng
tôi thực xúc động khi gặp lại nhau và mừng hơn khi tôi thấy Xoa có một
con trai quãng 10 tuổi. Thằng bé ngoan và có phần hơi bẽn lẽn. Cô bảo
rằng, cuộc sống của cô đỡ trống trải đi rất nhiều từ khi có nó.

Địa phương cũng có lòng ưu ái khi cho cô mở một quán nước xinh xinh
bằng tre gỗ, cái quán nhỏ bé nép mình bên cạnh ngôi nhà bề thế, nhiều
tầng, sơn màu trắng của cơ quan có tên là Kho bạc Nhà nước huyện Duy
Xuyên.

- Thời chiến tranh người ta đối xử với nhau vẫn tốt hơn anh à!

- Thế nếu được chọn thì cô chọn thời nào?

- Anh nói chi lạ. Bao nhiêu xương máu mới có hòa bình, anh lại hỏi chọn
thời nào! Em chỉ nhớ đội du kích của em, chúng em thương nhau lắm, vậy
mà bây giờ chẳng còn đứa nào. Nói thì quá, nhưng lúc nào em cũng nhớ
ngày xưa, cái phần hồn của em vẫn là để vào những ngày xưa...

Bộ phim đầu đời của tôi đã là một kỷ niệm, một “tài sản” chẳng phải của
riêng tôi mà của đông đảo đồng bào, anh em văn nghệ Quảng Nam - Đà
Nẵng. Trong chiến tranh, bộ phim ấy đã phục vụ hàng trăm ngàn lượt
người xem, động viên cho công cuộc kháng chiến từ năm 1970 - 1975. Tiếc
thay bom đạn và thời gian đã hủy hoại nó. Giờ đây chỉ còn một bản duy
nhất, chất lượng hình ảnh rất tồi, nói tiếng Pháp, bảo quản tại Viện
Nghiên cứu và Lưu trữ Điện ảnh.

Còn có một con người mà tôi không thể không nhắc tới. Con người đó, mỗi
lần trước bàn thờ gia tiên, tôi thường thân thiết nhắc tên anh cùng tên
những tiền nhân quá cố của tôi. Đó là nhà thơ Triều Phương, người huyện
Duy Xuyên, người cưu mang tôi khi địch càn, bày vẽ cho tôi quay phim
trong những ngày bom đạn, lo cho tôi khi tôi đói khát, ốm đau.

Triều Phương và tôi gắn bó với nhau như tình ruột thịt. Tôi ơn anh và
đinh ninh rằng ơn này phải đền đáp. Rồi sự đền đáp duy nhất mà tôi có
thể làm với anh lúc ấy là đề tên anh và tôi trên phim trong công việc
biên kịch. Trong đêm vui quãng tháng 10 năm 1970, chiếu buổi đầu tiên
“Những người dân quê tôi” tại Hà Nội, có mặt mấy anh em văn nghệ Khu V
như Phan Huỳnh Điểu, Khánh Cao (bố Trà Giang), Hà Mậu Nhai...tôi thầm
ước phim trở vào chiến trường cho bà con xem, cho Triều Phương vui mừng
và hiểu lòng tôi. Nhưng ngay sau buổi chiếu, người anh con ông bác của
Triều Phương, anh Trần Hữu Nghĩa đã cho tôi một cái tin đau đớn: Triều
Phương đã hy sinh. Anh hy sinh để lại hai đứa con thơ dại - Châu Giang
và Cẩm Linh với một người vợ trong tù cùng bao điều dang dở.

Tôi có những bức thư mà Triều Phương viết trong máu lửa gửi cho tôi từ
khi chúng tôi chia tay nhau cho đến ngày anh hy sinh. Tôi coi đó là
những gì hết sức quý giá, thân thương và đã mang theo bên mình suốt
thời gian tôi đi học Đạo diễn ở Liên Xô. Vốn là người cầm bút chân
thật, trong thư Triều Phương đã làm sống dậy tất cả những gì quanh anh,
con người, cảnh vật trên miền đất lửa mà có thời tôi đã được cùng anh
chia xẻ. Và, có một đoạn tôi buộc phải thuộc lòng, buộc phải nhập tâm
và tự vấn bản thân suốt đời:

“...Anh Thủy, tôi viết thư cho anh trong lúc pháo ở Bồ Bồ, An Hòa cầm
canh rung cả hầm. Nhớ anh, nhiều khi tôi cứ suy nghĩ mông lung, nếu
chẳng may sau này, một trong hai đứa mình chết đi thì thằng sống sẽ
nghĩ gì về thằng chết...”

Di chúc của Triều Phương ám ảnh tôi, buộc tôi sống, suy nghĩ và ứng xử
nghiêm chỉnh với các con anh, với những người thân của anh, với đồng
bào và mảnh đất quê anh. Tội nghiệp cho ông bà già của anh, có ba người
con trai thì cả ba nằm cạnh nhau trong nghĩa trang liệt sĩ huyện Duy
Xuyên.

Một buổi sáng, tại nghĩa trang liệt sĩ kể trên, bên mộ Triều Phương,
những bức thư mà tôi giữ mấy chục năm trời nay được đặt vào lòng bàn
tay những đứa con thân yêu của anh. Đứng đó còn vợ anh, họ hàng và bạn
bè. Chúng nó đọc và khóc như chưa bao giờ được khóc. Khóc như trẻ con,
tuy các cháu đã 35, 37 cả rồi. Lần đầu tiên trong đời chúng thấy nét
chữ của cha chúng, những chuyện kể lúc chúng 2,3 tuổi cắn răng chạy càn
trên cát bỏng, bài thơ gửi má chúng ở trong tù và nhiều truyện kể khác.
Một người cha hồn nhiên, giàu tình cảm và sự hiểu biết, yêu đời và đôi
khi rất tếu hiển hiện và định hình trong tâm trí chúng. Tôi nín lặng
hồi lâu, nhìn các con anh sung sướng, tự hào nhận ra chân dung người
cha thân yêu bởi mấy chục trang thư xưa cũ.

Người bạn đồng nghiệp ở Đài truyền hình Đà Nẵng, anh Đoàn Huy Giao chứng kiến tất cả những gì đã xảy ra và anh lẩm bẩm:

- Cha chúng bay nếu để lại một nhà lầu hay một tài sản thì có thể chúng
bay tranh nhau. Nhưng ông ấy để lại những bức thư thì chúng bay biết
thương nhau hơn, tử tế hơn.

*****

Quảng Nam - Đà Nẵng ngày nay đã có nhiều đổi thay, nhiều thành tựu
trong công cuộc đổi mới và hồi sinh của đất nước. Thế hệ trẻ sung mãn
đang trưởng thành, những người già cả kinh qua chiến tranh dần lùi vào
dĩ vãng. Nhưng có lẽ điều đáng bận tâm là đời sống vật chất đang có xu
hướng lấn át đời sống tinh thần và rất có thể những lý tưởng và sự hy
sinh cao cả của lớp người đi trước sẽ bị xô đẩy vào sự lãng quên.

Bởi vậy, cái ý tưởng trở lại Quảng Nam - Đà Nẵng để làm cái việc đi
tìm, tìm những gì có thể tìm theo dấu vết, ảnh hình của “Những người
dân quê tôi” đối với tôi là điều canh cánh, mong chờ.

Hà Nội, Mùa thu năm 2000
TRẦN VĂN THỦY

[nguồn từ Dienanh.net]
Về Đầu Trang Go down
 
Những người dân quê tôi
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
AnotherWorld Of Rock :: Misc :: Write From The Heart-
Chuyển đến