Đã để lại lời xin phép tác giả. Nếu tác giả không đồng ý, Head sẽ tháo xuống...
Bài viết của Lestat:
DSLR
Định viết về chuyện này từ lâu lắm rồi. Mà mãi đến bây giờ còn chưa viết. Phần vì bận. Phần vì lười. Phần vì có quá nhiều thứ để nói. Phần vì chẳng biết nói gì. Thôi thì cố viết.
Nhiếp ảnh luôn mang trong mình một sức quyến rũ tự thân. Một trong những nỗi khắc khoải lớn nhất của con người chính là ký ức. Nhớ để vui. Nhớ để buồn. Nhớ để đau. Nhớ để mà chỉ nhớ. Thôi Hộ viết 'khứ niên kim nhật thử môn trung, nhân diện đào hoa tương ánh hồng,' kỳ thực chẳng phải là thơ. Cái đẹp đẽ ấy, cái sống động ấy, cái tàn nhẫn ấy, chẳng qua chính là nỗi nhớ, là ký ức được quá khứ khắc vào lòng mình thế thôi.
Vì thế nên nhiếp ảnh ra đời. Để vĩnh viễn lưu giữ ký ức. Có điều, chuyện không chỉ dừng ở đó. Một bức ảnh đẹp vừa là sản phẩm của công nghệ, vừa là sản phẩm của mỹ cảm. Có những lúc cả hai yếu tố bị lạm dụng và trở thành phản cảm, mà tiêu biểu là những bộ ảnh cưới made in Viet Nam, nhìn không khác gì Barbie and Ken vì sự giả tạo quá đà của nó. Nhưng đấy lại là chuyện khác. Nói dài dòng như thế chỉ để nói rằng, nhiếp ảnh đem kỹ thuật (công nghệ) và nghệ thuật (mỹ cảm) để lưu giữ ký ức. Con người vốn say sưa trước cái mới, rung động trước cái đẹp, và lưu luyến với quá khứ. Thế thì trách nào máy ảnh, một thứ thiết bị hội tụ cả ba yếu tố ấy, chẳng trở nên cực kỳ hấp dẫn?
Việt Nam mình xét về lịch sử có nhiều cái thiệt thòi. Ngay trong chuyện máy ảnh này cũng vậy. Cái thời mà cả thế giới (nói cả thế giới chỉ là một cách nói tương đối) say mê với máy ảnh thì ở nước mình nhiếp ảnh còn là một cái gì đó cực kỳ xa xỉ. Nếu ông sở hữu một cái máy ảnh, thì nghĩa là ông làm nghề ấy – cao thì phóng viên, thấp thì chụp ảnh dạo bờ Hồ. Còn ông đã không thuộc cả hai dạng ấy mà lại có máy ảnh thì ông là tay chơi chắc rồi. Nhưng ngẫm lại, đôi khi nghèo cũng có cái hay. Khi mà cả xã hội đều nghèo, thì ai dám theo nhiếp ảnh với tư cách một thú chơi, gần như chắc chắn là người có đam mê đích thực. Có máu thì mới dám. Vì nó là lựa chọn giữa cơm ăn áo mặc và một thứ đồ chơi – tạm gọi là như thế.
Giờ thì không thế nữa. Khi cơm ăn áo mặc thành đơn giản, tiền nong trở nên dư dật, thì người ta dễ dàng hơn trong việc đeo đuổi 'thú chơi.' Chưa bao giờ nhiếp ảnh trở nên dễ 'chơi' như bây giờ. Một con DSLR làng nhàng có giá dưới 500$, nghĩa là vừa túi tiền với cả một cậu sinh viên. Mấy năm trở lại đây số người chơi DSLR ở Việt Nam bùng nổ đến mức gần như điên dại. A DSLR frenzy! Người người nói chuyện DSLR. Nhà nhà mua DSLR. Nhưng họ có thật sự yêu DSLR với đúng nghĩa của từ yêu ấy không? Câu trả lời là không. Đa số chỉ yêu cái cảm giác được sở hữu một chiếc DSLR như một món đồ xa xỉ thế thôi.
Lang thang mấy diễn đàn nhiếp ảnh ở VN, nhiều khi đọc mà đau lòng. Có những chú rao bán một con máy mới mua đâu hai tháng. Lý do: màn hình không đẹp. Con EOS 40D ấy mà có linh hồn, hẳn là cám cảnh lắm. Mình thì cám cảnh thay cho nó. Biết nó là một con máy tốt. Biết nó làm được những gì. Biết nó xứng đáng có một người chủ ra hồn. Chuyện tưởng là vặt vãnh, nhưng lại nói rất nhiều. Tại sao? Cái những thằng như thế cần là gì? Không phải một con máy tốt, chụp ngon. Mà một đồ vật để trưng, để khẳng định đẳng cấp. Có thể là với người ta. Mà cũng có thể chỉ là với chính mình. I have a DSLR. I'm so cool. Sở hữu máy nào không quan trọng. Miễn là một con máy đắt tiền. Hết xe máy, di động, laptop, bây giờ đến lượt máy ảnh và ô tô trở thành đồ trang sức cho những kẻ mới giàu. Đâu phải chỉ có con người mới xứng đáng được tôn trọng? Người ta hay nói vật này vật kia là 'bạn đồng hành' của con người. Thế thì hãy tôn trọng người bạn đồng hành ấy một cách xứng đáng với nó. Mà đầu tiên là đọc cái manual. To know your company well. Điều những thằng bán máy đi sau hai tháng chắc chắn chẳng bao giờ nghĩ đến. Show a little respect, dude.
Lâu lâu rồi đọc thấy một chú dùng 5D, mua một con 16-35 về rồi phán rằng ảnh méo, biết thế mua 24-70 thì hơn, con này chỉ hợp với 30D. Holy shit! Một con máy được coi là legendary, thêm một con L lens đình đám, lại rơi vào tay một thằng như thế. 16-35 mà lắp vào full-frame body thì đương nhiên là phải có distortion, không sao gọi là ultra wide. Cái đẹp của nó chính là compressed landscape. Kiến thức cơ bản còn không biết, mà dám cầm con máy được hết thảy Canonian mơ ước đi chụp bừa chụp bãi rồi khoe khoang nhố nhăng trên blog thì láo thật.
Hôm trước ngồi nói chuyện với lão bạn, bảo nếu em mà giàu có, em cũng chẳng phải bán con 400D đi khi nâng cấp. Nó là mối tình đầu. So với 40D tất nhiên là không bằng. Nhưng nó vẫn là một con máy tốt. Cái grip bằng nhựa sần, chưa được ốp da như 40D; lại hơi ngắn, tay con trai cầm bao giờ cũng hụt một ngón. Cứ thế, mãi mà thành quen. Nhiều khi hứng lên đỡ máy bằng hai ngón, cả body cả lens toòng teng mà không tuột. Giá mà không phải bán nó đi. Để làm backup cũng hay. Cắm một con 18-250mm vào để walk around cũng tốt. Hoặc chỉ đơn giản là cất vào tủ, sau này nhìn và nhớ thế thôi. Vì bản thân nó cũng đã là ký ức.
Nguồn:
http://blog.360.yahoo.com/blog-6p7usbQncqhZWaxBJfJIR7Jt?p=373#comments