Hypocrisy và Amorphis. Hai cái tên sừng sỏ cùng có thâm niên hơn 20 năm chinh chiến cùng trở lại trong năm nay trong sự mong mỏi và chờ đợi của của tớ. Nhưng những gì mà họ mang lại thật sự trái ngược nhau. Một bên cho thấy sức sáng tạo không biết mệt mỏi và sự vững vàng đáng nể. Bên còn lại là sự nhàm chán sa sút đến mức đáng sợ.
Hypocrisy được biết đến như là một trong những band Old School Death Metal hàng đầu của Thụy Điển sánh ngang cùng những tên tuổi như Entombed hay Dismember nhưng bước sang nửa cuối những năm 90, họ đã dần dần chuyển hướng âm nhạc của mình sang melodic death, nhiều giai điệu hơn với nội dung chủ yếu về những hiện tượng siêu nhiên, vũ trụ, aliens. Thông thường đối với những tên tuổi lớn, việc thay đổi hướng đi đồng nghĩa với thất bại mà ví dụ gần nhất và rõ ràng nhất chính là Morbid Angel (mong cho các anh an nghỉ, đừng ra album nữa mà em buồn). Nhưng với Hypocrisy, mọi chuyện tốt hơn thế nhiều. Họ vẫn phát triển, các album ra đều rất chất lượng. Lý do thành công rất đơn giản. Hypocrisy không rũ bỏ hoàn toàn những gì đã làm nên tên tuổi của họ. Vẫn còn đó những ảnh hưởng hết sức rõ ràng của old school death trong End of Disclosure. Dễ dàng nhận ra nhất là tiếng bass trong album. Với các band Death Metal hiện đại, tiếng bass thường bị lấn át bởi double guitar và vocal. Nhưng với Hypocrisy ta hoàn toàn có thể nhận ra tay bass đang làm gì. Đi kèm với đó là hơi hướng thrash metal khiến cho End of Disclosure vừa có được tốc độ sự dữ dằn nhưng đồng thời cũng có độ dày và sự chắc chắn trong giai điệu. Đó không phải là thứ melodic death ào ào như nước sôi, guitar solo văng tung tóe để rồi nghe vài ba bài phải chuyển sang thứ gì đó năng đô hơn. End Of Disclosure là một album mà bạn có thể nghe từ đầu đến cuối mà không cảm thấy nhàm chán và mệt mỏi. Đây có phải là một album xuất sắc không? Không. Đây có phải là tuyệt phẩm của Hypocrisy ko? Không!!!!. Thời hoàng kim của họ đã qua lâu rồi. Nó nằm ở hơn 10 năm về trước. Nó không thể quay lại nữa, nhưng Hypocrisy vẫn còn sức sáng tạo, vẫn có thể tung ra những album chất lượng hơn đến 90% các band melodic death đầy rẫy khắp nơi. Và họ vẫn xứng đáng đứng trong hàng ngũ những band death metal hàng đầu của Thụy Điển.
Ngược lại với Hypocrisy, có thể nói Amorphis đang ở đỉnh cao của sự nghiệp. Sau Silent Waters danh tiếng của họ tăng lên vòn vọt. Bạn có thể không thích sự ẻo lả sự sến của Silent Waters nhưng phải thừa nhận rằng đó là một album độc nhất vô nhị. Tomi Joutsen là người đầu tiên khiến tớ cảm thấy thích nghe clean vocal hơn là growl vocal trong một album Melodic Death. Nghe Amorphis cũng như là đến nhà cô bạn gái mới quen bị con mèo nhỏ của nàng chui vào lòng. Bạn phải cố kìm nén để chứng tỏ mình là đàn ông, cứng rắn không thích mấy thứ xinh xắn dễ thương. Nhưng thi thoảng khi nàng quay đi bạn cũng không chịu được phải quay sang vuốt chú mèo 1 cái :v.
Quay lại với Amorphis, Silent Waters đã mở ra một hướng đi mới trong âm nhạc của họ và họ đã phát triển rất thành công với album tiếp theo Skyforger. Tuy nhiên cái gì cũng có giới hạn của nó. Sau 2 album xuất sắc. The Beginning of times đã trở nên hơi nhàm. Lúc này Amorphis có thể gói lại thời kỳ vàng son này và bước sang một hướng đi mới. Họ hoàn toàn có khả năng làm việc đó và thực sự họ đã từng làm trong quá khứ. Amophis luôn nổi tiếng là một band đầy sáng tạo và thử nghiệm trong âm nhạc. Từ Tales from the Thousand Lakes đến Eclipse rồi đến Silent Waters cùng 1 band nhưng âm nhạc hoàn toàn khác nhau và đều là những album xuất sắc. Nhưng không, lần này họ chọn phương án lười biếng và an toàn hơn: tiếp tục xào nấu nguyên liệu cũ. Và cũng như các bộ phim bom tấn của Hollywood, đến phần thứ 4 thì chả ai còn hy vọng là nó hay nữa.
Thực ra Circle ko hẳn là một album dở. Track đầu tiên Shades of gray vẫn rất xuất sắc. “Mission” và “The Wanderer,” cũng là những track hay, phảng phất hình ảnh của To/Die/For. Narrow Folk đem lại một chút pha trộn với Folk Metal khá thú vị. Nhưng số còn lại thì như là nhét vào cho đủ để làm một album thậm chí New Day có thể nói là dở tệ dở hại. Với nửa sau của Circle, Amorphis đã làm hư hại rất nhiều những ấn tượng về họ trong mấy năm nay bởi những ca khúc lười biếng nhàm chán. Không đến nỗi là không thể nghe được nhưng so với chính bản thân họ, Circle là một bước lùi. Hy vọng sau Circle, Amorphis sẽ chuyển sang một hướng đi khác như họ vẫn thường làm trước đây để mang đến những album chất lượng thực sự.
Melodic Death là một dòng nhạc đặc biệt. Rất dễ nghe, rất dễ câu fan nhưng vì thế những fan melodic death thuộc loại fan hư hỏng nhất, luôn luôn đòi hỏi thứ gì đó mới, sáng tạo. 20 năm là một khoảng thời gian không hề nhỏ với một band nhạc .Nhất là với những band đã trở thành tượng đài như Hypocrisy và Amorphis. Họ phải duy trì được sức sáng tạo cùng với tinh thần không bao giờ ngủ quên trên đỉnh cao, luôn luôn tìm ra cái mới. Metal không phải là nhạc Pop, đây là cuộc chơi không dành cho những kẻ lười biếng.